Nhiều tỉnh cho tách thửa đất trở lại

Nhiều tỉnh cho tách thửa đất trở lại

Sau khi dừng tách thửa, mới đây nhiều tỉnh như: Hà Nam, Lâm Đồng, Hà Nội đã cho tách thửa trở lại.

Đáp ứng nhu cầu hợp pháp của nhân dân

Theo đó, UBND tỉnh Hà Nam đồng ý tiếp tục thực hiện chia tách thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Thời gian bắt đầu thực hiện từ ngày 3/7.

Theo UBND tỉnh Hà Nam, khi người sử dụng đất thực hiện đăng ký biến động, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà trong thửa đất có một phần diện tích đất do UBND cấp xã quản lý chung thửa với phần diện tích đất hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân thì thực hiện tách riêng phần đất UBND xã quản lý ra khỏi phần đất hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân và hình thành thêm thửa mới (kể cả phần diện tích đất đã có công trình xây dựng).

UBND tỉnh Hà Nam giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện nội dung văn bản này đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.

Trước đó, sau gần 20 tháng dừng tách thửa, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký quyết định chấm dứt hiệu lực toàn bộ các văn bản về việc xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn các huyện, thành phố. Việc chấm dứt hiệu lực các văn bản này đồng nghĩa với việc tỉnh Lâm Đồng không còn cấm tách thửa.

Thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chỉnh tách thửa đất, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định sau khi bị Bộ Tư pháp chỉ ra việc ban hành Văn bản 2869 về việc dừng tách thửa là trái quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất.

“Siết” lại điều kiện tách thửa

Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa ban hành quy định “siết” lại hoạt động tách thửa. Đây được đánh giá là hoạt động nhằm kịp thời ngăn chặn việc lợi dụng chính sách, phân lô tách thửa tràn lan để thương mại hóa theo hình thức “dự án chui”.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 28 về hạn mức giao đất, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; điều kiện tách thửa, hợp thửa theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Quyết định 28 thay thế Quyết định số 32 năm 2014 của UBND tỉnh Khánh Hòa trước đó.

Quyết định nêu rõ, đối với đất ở tại đô thị, thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có bề rộng chỉ giới đường đỏ (quy hoạch) từ 19m trở lên diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 45m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 5m trở lên.

Đối với thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có bề rộng chỉ giới đường đỏ từ 10m đến dưới 19m diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 36m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 4m trở lên.

Thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có bề rộng chỉ giới đường đỏ dưới 10m, diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 36m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 3m trở lên.

Trường hợp đất ở tại nông thôn, thửa đất tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 50m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 5m trở lên.

Thửa đất tại khu vực các đảo diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 50m trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 5m trở lên. Thửa đất tại khu vực còn lại diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 60m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 5m trở lên.

Đối với trường hợp tách thửa đất ở trong khu vực dân cư hiện hữu (kể cả đất ở có vườn ao) phải bố trí lối đi chung vào các thửa đất sau khi tách thì theo thỏa thuận thống nhất giữa chủ sử dụng của các thửa đất được tách nhưng đảm bảo chiều rộng lối đi chung tối thiểu là 1,5m.

Trường hợp tách thửa không thuộc khu vực dân cư hiện hữu mà phải bố trí lối đi chung thì chiều rộng lối đi chung theo thỏa thuận thống nhất giữa các chủ sử dụng của các thửa đất được tách; nhưng đáp ứng bề rộng tối thiểu của lối đi chung là 4m. Việc bố trí lối đi chung phải đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống đường giao thông hiện hữu trong khu vực…

Quyết định này cũng nêu rõ điều kiện tách thửa đối với đất nông nghiệp. Theo đó, thửa đất nông nghiệp trong khu vực quy hoạch đất nông nghiệp khi thực hiện tách thửa thì thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu như sau: Đất trồng cây hàng năm, đất làm muối, đất nuôi trồng thuỷ sản là 500m2; đất trồng cây lâu năm là 1.000m2; đất trồng rừng sản xuất là 5.000m2…

error:
Contact Me on Zalo
Hotline: 096.168.4321
Gọi điện ngay
Tải báo giá